Related posts

Sunday, 5 February 2012

Giang duong mua la bay

download nero | download nero 6 mien phi | tai manager |

Tôi được sinh ra lần thứ hai

Thượng tá Phạm Quốc Việt, Chỉ huy trưởng Phân đội 2, Trường Sĩ quan Công binh giở lại những trang nhật ký được anh viết từ năm trước và kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động ấy. Nhân vật trong câu chuyện là Phạm Quang Mỹ, cậu học viên quê lúa Thái Bình. Nhà Mỹ rất nghèo. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên ngay từ khi Mỹ bước chân vào Trường Sĩ quan Công binh, cán bộ chỉ huy đơn vị đã động viên, tiếp sức giúp em vượt qua tâm lý tự ti, phấn đấu học tập. Không phụ lòng tin của thủ trưởng và anh em đồng đội, Mỹ dồn tâm sức học rèn chăm chỉ và nhanh chóng trở thành một trong những học viên giỏi toàn diện của khóa học. Bốn năm học thấm thoắt qua mau, tương lai tươi sáng đang mở ra trước mặt chàng sĩ quan trẻ này thì bỗng một ngày Mỹ đột ngột bị đau nặng. Đơn vị chuyển Mỹ đến bệnh xá rồi bệnh viện. Trận ốm làm Mỹ nhanh chóng ngã quỵ. Chỉ trong vòng độ một tháng, chàng học viên sĩ quan thân hình lực lưỡng, khỏe mạnh đã héo rũ như tàu lá chuối khô, sức khỏe cạn kiệt. Các bác sĩ ở Bệnh viện 175, Bộ Quốc phòng cho hay: Mỹ mắc một chứng bệnh hiểm nghèo, đe dọa tính mạng trầm trọng. Từ vùng quê Thái Bình, hay tin con trai mắc trọng bệnh, người cha khắc khổ lặn lội vào thăm. Chứng kiến thể trạng con trai, ông lắc đầu bất lực và đau đớn. Nguyện vọng duy nhất của ông và gia đình là đưa con trai về quê để anh em họ hàng còn được nhìn thấy cháu lần cuối. "Về quê chờ chết ư? Cuộc đời của cậu học trò cưng kết thúc sớm như vậy sao?". Thượng tá Phạm Quốc Việt như chùng lòng lại. Anh cùng Ban chỉ huy đơn vị lựa lời động viên gia đình để Mỹ được tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Anh em đồng đội chung tay, góp sức chia sẻ với gia đình từ những đồng tiền lương, khoản phụ cấp ít ỏi. Mỹ được đồng đội chăm sóc như người ruột thịt. Hằng ngày, ở bên cạnh anh lúc nào cũng có anh em, đồng chí, đồng đội thay nhau chăm sóc, động viên, tiếp sức cho anh. Và như có một phép màu, Mỹ dần dần hồi phục. Ba tháng sau, anh trở lại trường tiếp tục học tập. Ngày ra trường, Mỹ rạng rỡ trong bộ quân phục mới tinh. Sau khi được thủ trưởng nhà trường gắn quân hàm trung úy lên vai áo, Mỹ hạnh phúc bật khóc nức nở: "Các thủ trưởng và đồng đội đã sinh ra tôi lần thứ hai. Mái trường này là tổ ấm của cuộc đời tôi. Dù đi đâu, làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi hay tận miền biên ải, tôi vẫn nhớ về mái nhà này với những đồng đội thân yêu như tình ruột thịt".

Câu chuyện về Mỹ được anh em cán bộ, học viên tâm sự cùng nhau như một minh chứng của tình đồng đội. Cái tình ấy ẩn chứa trong đó những giá trị, sức mạnh làm nên những điều tưởng chừng như không thể. Sau khi bình phục, Mỹ nói rằng lúc nằm trên giường bệnh, dù biết sức mình khó chống lại bệnh hiểm nghèo nhưng anh vẫn lạc quan và tin rằng các bác sĩ và đồng đội sẽ giúp mình vượt qua. Trong chiến tranh, giữa bom rơi, đạn nổ, tình đồng đội đã làm nên những điều kỳ diệu về sức sống con người thì tại sao trước bệnh tật, bản thân mình lại có thể sớm buông xuôi? Còn bố của Mỹ, được đón đứa con trong sắc áo sĩ quan quân đội trở về, ông vui sướng, hạnh phúc đến bủn rủn chân tay. Ông muốn ôm con thật chặt mà vòng tay cứ lóng nga, lóng ngóng.

Sự sống đã trở về với Mỹ như một điều kỳ diệu. Giờ đây, Mỹ là sĩ quan trẻ của một đơn vị bộ đội công binh ở phía Nam.

Mùa lá rụng đầu tiên sau khi ra trường, Mỹ trở lại nơi đã sinh ra mình lần thứ hai. Đi giữa giảng đường quen thuộc với những bậc cầu thang nhẵn bóng và những hàng cây rợp bóng lá, nước mắt anh cứ thế tuôn trào...

Tính nhân văn và bản lĩnh thép

Chúng tôi đem câu chuyện của Trung úy Phạm Quang Mỹ tâm sự với Thiếu tướng Thái Hồng Lĩnh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công binh khi anh vừa đi kiểm tra công tác huấn luyện ở khu vực dã ngoại trở về trường. Thiếu tướng Thái Hồng Lĩnh nói:

- Trường hợp của Mỹ khá đặc biệt nhưng biểu hiện của tình đồng đội như vậy và những tấm gương vượt khó học giỏi ở trường thì nhiều lắm. Đó là "Sao tháng Giêng" Vũ Đức Quỳnh, là Trần Thanh Hữu, một trong những gương mặt tiêu biểu toàn quân; là Khúc Văn Tứ, học viên giỏi toàn diện... và hàng trăm tấm gương khác. Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên đam mê nghiên cứu khoa học, hăng say tìm tòi, sáng kiến. Đó là Thiếu tá Nguyễn Hữu Quân, giáo viên Khoa Quân sự chung được công nhận chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Đó là Đại úy Dương Minh Khoa, một kỹ sư trẻ nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, là tấm gương vượt khó để học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ. Những nhân tố ấy góp phần xây dựng môi trường dạy học tự giác, tự chủ, sáng tạo trong toàn trường.

Chuyện học viên dành phụ cấp giúp bạn; cán bộ cõng học viên bị ngã đau trong đêm hành quân; thầy giáo dành tiền lương giúp đỡ học trò... là những biểu hiện sinh động của tình đồng đội mà chúng tôi được nghe, được biết nhiều mỗi khi về trường. Nó tạo nên cái "chất công binh" trong lính công binh. Cũng có khi cái chất ấy được biểu hiện bằng những việc làm hết sức bình dị. Ví như Lê Văn Nam, một học viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng khi nhặt được ví tiền của ai đánh rơi đã tìm mọi cách để trả lại người mất. "Những cái gì không phải của mình thì không bao giờ lấy, dù là một đồng hay một tỷ đồng cũng vậy thôi" - Nam nói thế khi nhiều người hỏi anh, sao không "im lặng" khi nhặt được tiền.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, cái gì tạo nên "chất công binh" ấy, Đại tá Lê Phan, Chính ủy nhà trường lý giải:

- Nhiệm vụ của người lính công binh mang tính đặc thù, luôn phải đối mặt với gian khổ, hiểm nguy. Thời bình nhưng máu của bộ đội công binh vẫn đổ, những mất mát hy sinh vẫn thường xuyên xảy ra khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, khắc phục vật liệu nổ, xây dựng công trình quốc phòng ở địa hình hiểm trở. Với phương châm đào tạo những đội ngũ cán bộ chỉ huy cấp phân đội bổ sung cho các đơn vị công binh trong toàn quân, nhà trường đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, vừa hồng vừa chuyên. Học viên có môi trường tốt nhất để vun đắp trí tuệ, nhân cách, trui rèn bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm ngay trong thời gian học. Xây dựng giá trị nhân văn cùng với trui rèn bản lĩnh thép là hai nhân tố tạo nên cái "chất công binh" ấy.

Mỗi lần trở lại Trường Sĩ quan Công binh, tôi lại thêm một lần chứng kiến sự đổi khác. Bãi tập huấn luyện các chuyên ngành công binh hiện nay được xây dựng theo hướng chính quy, hiện đại. Nhà trường mới có thêm những khu trưng bày mô hình vũ khí, trang bị kỹ thuật công binh cả truyền thống và những chủng loại hiện đại. Với hệ thống trang thiết bị dạy học đồng bộ, học viên được tiếp cận, làm chủ kỹ thuật, thành thục kỹ năng thao tác, xử lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Bên cạnh huấn luyện theo giáo án, học viên được "quăng" mình vào các tình huống thực tế trong xây dựng công trình quân sự, cứu hộ, cứu nạn. Thời gian huấn luyện thực hành của học viên được nâng lên 70 - 75%. Hiện nay, cơ quan khoa học của trường với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, thường xuyên cập nhật, đưa mô hình, trang thiết bị mới của các chuyên ngành công binh thuộc các nước tiên tiến trên thế giới vào nghiên cứu, ứng dụng. Bởi vậy, nhà trường trở thành đầu mối nghiên cứu khoa học chủ lực của Binh chủng Công binh. 10 năm qua, nhà trường đã thực hiện 15 đề tài khoa học cấp bộ và gần 100 đề tài sáng kiến, cải tiến cấp cơ sở. Các đề tài nghiên cứu khoa học của trường đều được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong huấn luyện, giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ. Mới đây, nhà trường hoàn thành và đưa vào sử dụng thư viện điện tử phục vụ công tác giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học. Thiếu tướng Thái Hồng Lĩnh cho biết, những năm gần đây nhà trường chú trọng công tác nghiên cứu chất lượng học viên ra trường sau mỗi khóa học để đánh giá, so sánh, đối chiếu, tổng kết, từ đó bổ sung, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo. "Sự phản hồi từ thực tiễn là thước đo đúng mực nhất về chất lượng đào tạo. Trong xu thế mới, được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh Công binh, chúng tôi đang nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch cho việc mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các trường sĩ quan trong nước và quốc tế" - Thiếu tướng Thái Hồng Lĩnh nói.

Những dãy nhà giảng đường phơi mình trong nắng gió; những con đường nhấp nhô đèo dốc đang ngày càng được "xanh hóa". Giờ đây, Trường Sĩ quan Công binh là một không gian xanh, được ngành tài nguyên môi trường ở địa phương coi là "lá phổi xanh" trong khu vực. Nhà trường cũng là một trong những địa chỉ hiếm hoi ở đô thị công nghiệp hiện còn bảo vệ được những cây dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Khuôn viên trường rợp bóng mát của những hàng cây dầu, vườn dầu, được nhân giống từ những cây dầu cổ thụ trăm tuổi. Mùa này, dầu thay lá. Bước chân thầy trò lên giảng đường trong ánh nắng mai rợp lá bay. Khung cảnh ấy làm bật lên chất lãng mạn của người lính trong một môi trường học, rèn hết sức vất vả, cực nhọc. Và chính yếu tố lãng mạn ấy là chất xúc tác tạo nên sức mạnh, bản lĩnh, giúp người học vượt qua những khó khăn, gian khổ, khẳng định mình để vươn lên. Tình đồng đội làm nên những điều kỳ diệu như trường hợp của Phạm Quang Mỹ... chính là những giá trị tuyệt vời của chất lãng mạn, tính nhân văn của bộ đội công binh. Nó được đúc kết trở thành giá trị văn hóa của thầy trò công binh dưới mái trường xanh nơi vùng đất phía Nam Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN

Theo www.baomoi.com

0 comments:

Post a Comment

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More