may tinh xach tay | may chieu | may tinh bang |
"Cơ quan nhà nước sẽ phải cạnh tranh nhau"- Sau hàng loạt bài viết về diễn đàn tiến sĩ 322, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT đã trả lời phỏng vấn VietNamNet về những chính sách xung quanh đào tạo TS theo Đề án 322.
Ông Nguyễn Xuân Vang
Ông Nguyễn Xuân Vang: Trước hết, tôi xin cám ơn nhiều bạn đọc đã quan tâm đến chủ đề này. Tuy nhiên, có thể do thiếu thông tin nên có những nhìn nhận chưa được toàn diện.
Trong 10 năm qua, Đề án 322 đã gửi được 4.590 người đi học, trong đó, có 2.268 người đi học trình độ tiến sĩ, 3.017 lưu học sinh đã tốt nghiệp về nước, gồm 1.074 TS, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên đại học.
Đề án 322 thành công từ góc đánh giá của Nhà nước và những đối tượng thu hưởng.
Tuy nhiên, còn một hạn chế là có 33 lưu học sinh (chiếm 1,06% số LHS tốt nghiệp) không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc đã tốt nghiệp về nước, nhưng không trở lại cơ quan cũ công tác.
Lý do: một số trường hợp vì sức khoẻ không đảm bảo nên phải về nước, một số khác bị thôi học vì kết quả học tập không đạt quy định, hoặc có người về nước sau đó không trở lại nước ngoài học tiếp vì lý do cá nhân, một số thì tốt nghiệp về nước nhưng không làm việc cho cơ quan công tác trước đây và cá biệt có người học xong không về nước.
Đối với số lưu học sinh này, Bộ GD-ĐT đã triển khai thực hiện hướng dẫn và thu hồi kinh phí bồi hoàn theo hai hướng xử lý:
1) Trường hợp cán bộ do cơ quan cử đi học được Bộ làm văn bản thông báo cho cơ quan về tổng kinh phí đã cấp cho lưu học sinh và đề nghị cơ quan phối hợp xử lý theo quy trình xét bồi hoàn của Nhà nước và yêu cầu lưu học sinh nộp tiền bồi hoàn ngân sách nhà nước vào tài khoản quy định.
2) Trường hợp sinh viên và người tốt nghiệp chưa có cơ quan công tác, Bộ GD-ĐT họp xét các trường hợp bồi hoàn và có quyết định mức bồi hoàn gửi đến lưu học sinh yêu, cầu thực hiện bồi hoàn theo quy định của pháp luật
Hiện nay trên 50% số lưu học sinh phải bồi hoàn kinh phí đã thực hiện bồi hoàn cho Nhà nước. Theo quy định hiện hành,những người tốt nghiệp về nước nhưng không về cơ quan cũ là thuộc diện phải bồi hoàn kinh phí.
Tôi cho rằng quy định này cần sửa đổi cho phù hợp bởi lẽ họ không về cơ quan cũ nhưng chuyển sang cơ quan Nhà nước khác cũng phục vụ Nhà nước.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp về nước, lưu học sinh 322 hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán với Bộ GD-ĐT và được trả quay về cơ quan cũ làm việc.
Đây thực sự là một thách thức với cơ quan sử dụng lao động, đòi hỏi họ cần có chính sách hoặc môi trường làm việc hấp dẫn hơn để giữ cán bộ ở lại làm việc .
Tôi cho rằng, để thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ thì các cơ quan sử dụng lao động phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Đây thực sự là một thách thức với cơ quan sử dụng lao động, đòi hỏi họ cần có chính sách hoặc môi trường làm việc hấp dẫn hơn để giữ cán bộ ở lại làm việc.
Tôi nghĩ, trong tương lai, các cơ quan nhà nước cũng sẽ phải cạnh tranh nhau để có cán bộ tốt. Nếu được như vậy thì rõ ràng những người tài giỏi được đào tạo bài bản sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn.
Bộ GD-ĐT có số liệu về những người đi học nước ngoài bằng ngân sách khi trở về đã không tiếp tục làm việc cho cơ quan cũ như cam kết, trong đó có TS 322? Họ có bị xử lý khi không làm đúng cam kết? Nếu có thì cách thức và quy trình bồi thường tiền như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Theo báo cáo của cơ quan có người đi học theo đề án 322 thì hầu hết họ đều trở về cơ quancũ làm việc, vì thứ nhất là họ đã cam kết mang tính chất pháp lý và thứ hai là họ ý thức được trách nhiệm của mình khi đã hưởng học bổng ngân sách Nhà nước.
Chúng ta không nên lấy một vài trường hợp cá biệt không trở về cơ quan cũ làm việc để đánh giá cho hàng nghìn lưu học sinh đi học theo Đề án 322.
Nhiều cơ quan cử đi học đã có những chính sách đãi ngộ tốt để thu hút cán bộ của mình về công tác như chế độ thưởng, tăng lương, đề bạt ...
Lưu học sinh trước khi đi học đều phải cam kết quay trở về phục vụ cho cơ quan sau khi tốt nghiệp về nước.
THẢO LUẬN LIÊN QUAN
Căn cứ số liệu kinh phí được cung cấp, lưu học sinh thực hiện bồi hoàn kinh phí thì mới được giải quyết các thủ tục cần thiết và cơ quan sử dụng cán bộ có thể cậy nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp nếu họ không bồi hoàn kinh phí
Những trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì đã có quy trình xử lý theo quy định của Pháp luật. Quy trình và cách thức bồi hoàn kinh phí hiện nay thực hiện theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP (năm 2010) của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức; thông tư số 03/2011/TT-BNV (năm 2011) hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 18/2010/NĐ-CP.
Việc giao cho các trường quản lý các TS 322 trở về có hợp lý, phải chăng Bộ GD-ĐT nên đứng ra làm nhiệm vụ "xử phạt" nếu những người đi học bằng ngân sách vi phạm cam kết?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước thì không làm thay các trường được. Các trường đã được tự chủ trong các hoạt động của mình. Việc quản lý cán bộ, công chức là do các cơ quan sử dụng lao động thực hiện theo quy định của Pháp luật. Hiện nay đã có các văn bản pháp quy về việc này.
Đề án 322 là Đề án của Chính phủ chứ không phải là của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thay mặt Chính phủ thực thực hiện Đề án này và Đề án 322 chỉ là một trong rất nhiều nguồn học bổng mà cán bộ, công chức được hưởng thông qua Bộ GD-ĐT, hơn nữa số lượng những người bị "xử phạt" có nhiều đến mức phải đưa ra quy định này không?
Chúng ta nên nhìn bức tranh toàn cảnh về hiệu quả hiện tại và tương lai lâu dài của Đề án vì đây là đầu tư vào con người chứ không nên nhìn phiến diện vào con số ít ỏi (1%), có thể ví như là "thất thoát" như đã thống kê. Với một Đề án đầu tư vào con người mà thất thoát có 1% thì có thể nói rằng Đề án đã thành công 99%, chưa tính đến những đóng góp và giá trị mang lại cho xã hội trong rất nhiều năm nữa của những người đã hưởng thụ Đề án, trong đó có TS 322.
Thông báo tuyển sinh sau đại học bằng ngân sách Nhà nước không quy định số năm phải làm việc cho cơ quan cũ sau khi người học đi du học về, theo ông, có cần quy định phải làm việc bao nhiêu năm?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Những quy định đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật thì không cần đưa vào thông báo tuyển sinh. Các quy định đều đã được đề cập trong văn bản mới nhất là Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, ngày 5/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức.
PV: Việc đề án này ưu tiên một tỉ lệ lớn (90%) cho các trường đại học, cao đẳng cho thấy quyết tâm rất lớn của ngành giáo dục về việc nâng cao trình độ giảng viên. Tuy nhiên, cơ chế lương cho người đi học nước ngoài về không khuyến khích được việc tiếp tục sử dụng chất xám của họ cho hiệu quả. Theo ông, có nên làm ngược lại là số tiền học bổng ấy dành thưởng cho người nào đã học TS từ nguồn khác và chịu "đầu quân" về trường ĐH, CĐ và làm việc lâu dài, hoặc trả thành lương cho họ theo năm cống hiến?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Nước ta còn nhiều khó khăn, hiện nay rất cần đầu tư vào nhiều lĩnh vực để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có GD-ĐT. Tập trung đầu tư đào tạo máy cái –giảng viên các trường ĐH, CĐ để họ đào tạo ra hàng vạn người khác là một chính sách sáng suốt. Có một câu thành ngữ: "Nếu đầu tư cho người thầy thì bạn đã đầu tư cho cả một thế hệ".
Cơ chế lương hiện nay đâu chỉ có áp dụng riêng cho ngành giáo dục? Ý tưởng đầu tư sau tức là trả tiền sau tính vào lương sau cũng là mốt ý tưởng hay nhưng liệu có khả thi không để đảm bảo công bằng cho những đối tượng khác và đảm bảo về quy mô?
Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nếu chỉ trông chờ vào các nguồn học bổng ít ỏi từ các nguồn khác thì bao giờ chúng ta mới phát triển được? Nhà nước cần phải chủ động đầu tư cho tương lai thì mới không bị tụt hậu so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Trước năm 1990, chúng ta trông cậy vào các nước XHCN anh em hỗ trợ đào tạo hàng vạn nhân lực trình độ cao nhưng sau năm 1991, Nhà nước thấy rõ việc hụt hẫng của việc đào tạo cán bộ ở nước ngoài khi Liên Xô tan rã, vì vậy đã có Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài.
Nhìn ra thế giới, các nước đều có chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình bằng cách gửi người ra nước ngoài học tập. Trung Quốc đã làm việc này từ lâu, đã gửi rất nhiều người đi học ở nước ngoài, khuyến khích ở lại làm việc và bây giờ họ đã và đang trở về quê hương làm việc. Năm 2010, Braxin đưa ra quyết định dành hơn 2,5 tỉ đô la để gửi 100.000 người ra nước ngoài đào tạo trong vòng 4 năm từ 2010 đến 2014.
Còn ở nước ta, năm 2000, với Quyết định 322 của Thủ tướng Chính phủ dành ngân sách để gửi đi đào tạo ở nước ngoài là một quyết định có ý nghĩa lịch sử.
PV: Mục tiêu của việc đào tạo TS là tạo ra một đội ngũ nghiên cứu giỏi cho nước nhà, tuy nhiên, môi trường nghiên cứu ở đại học Việt Nam chưa phát triển, nhất là chưa tạo ra hiệu quả rõ ràng cho doanh nghiệp, xã hội. Vậy theo ông, chúng ta có cần thiết phải có nhiều TS hơn nữa?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Tôi cho rằng nhận xét này chưa có đủ căn cứ. Trong những năm qua Việt Nam luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao là do đâu? Không có kết quả nghiên cứu nghiêm túc thì làm sao chúng ta có giống mới, phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất để đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo và cạnh tranh với các nước khác về các mặt hàng xuất khẩu khác?
Môi trường nghiên cứu ở các trường đại học Việt Nam đang phát triển và cần phải có đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ nghiên cứu làm việc. Chúng ta cần phải có nhiều tiến sĩ hơn nữa, cần có nhiều máy cái hơn nữa để nghiên cứu và đào tạo đội ngũ nghiên cứu.
Hiện nay cả nước mới có 14% giảng viên đại học có trình độ TS , và con số này quá thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa dám so sánh với các nước tiên tiến trên thế giới. Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2010 gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế và đã đề ra mục tiêu cụ thể về cơ cấu lao động và bậc đào tạo.
Trong Quy hoạch phát triển nhân lực, việc xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước được đặc biệt coi trọng. Năm 2020, số giảng viên đại học cần có khoảng 75.800 người, trong đó 30% có trình độ TS (14.283 người) và khoảng 50% có trình độ thạc sĩ (38.000 người).
Ngay cả việc chúng ta thực hiện thành công đề án hai vạn TS trong 10 năm tới, với hơn 400 trường đại học và cao đẳng hiện nay thì mỗi năm mỗi trường mới chỉ được bổ sung thêm gần 5 tiến sĩ. Một con số quá ít. Chúng ta phải cần tăng nhanh đội ngũ có trình độ cao này để đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong các trường đại học. Một trong những yếu tố mà môi trường nghiên cứu chưa phát triển vì chúng ta thiếu người có trình độ để làm nghiên cứu. Nếu không có con người có năng lực, trình độ thì máy móc thiết bị hiện đại đến đâu đi chăng nữa cũng bị xếp xó.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
- Hương Giang (Thực hiện)
0 comments:
Post a Comment