Related posts

Sunday, 4 March 2012

Un tac giao thong trong ngay dau doi gio

7h30 sáng 1/2, trong khi trước cổng nhiều trường THPT, ĐH khá thông thoáng thì nhiều tuyến phố ở thủ đô vẫn ùn tắc do phụ huynh đồng loạt đưa con đến trường rồi đi làm cho kịp giờ.

Từ sáng nay, Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làm tại 10 quận và 2 huyện. Nhóm phải đẩy giờ lên sớm hơn là học sinh THPT, TCCN, CĐ và ĐH, học trước 7h, các bậc còn lại bắt đầu từ 8h.

Ngay từ 6h30, khi đường phố còn vắng vẻ thì nhiều cổng trường THPT, ĐH đã tấp nập học sinh, sinh viên. Trước cổng trường THPT Việt Đức, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Học viện Báo chí, ĐH Công đoàn... không xảy ra ùn tắc. Nguyên nhân chủ yếu là thời điểm này ít người đi làm và một số ĐH, CĐ sinh viên chưa đi học trở lại.

7h30, phố Thợ Nhuộm ùn ứ nhẹ bởi nhiều phụ huynh đỗ ôtô hai bên đường để đưa con vào trường mầm non 20/1. Ảnh: Tiến Dũng.

Dù 8h mới bắt đầu giờ học sáng nhưng trước đó một tiếng đã có rất nhiều phụ huynh đưa con đến trường mầm non, tiểu học, THCS theo như lịch cũ. Để con xuống sân Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình), chị Minh (phố Đội Cấn) cho hay, cơ quan chị ở xa mà 8h đã bắt đầu giờ làm nên phải đi từ sớm. "Muốn con ở nhà thêm chút nữa, nhưng không ai đưa đi, tôi đành đưa cháu đến trường trước giờ vào lớp một tiếng", chị Minh chia sẻ.

Từ ngày 1/2, các trường ĐH, CĐ, THCC, dạy nghề, THPT bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h và kết thúc vào 17h (phải bố trí người tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30).

Các cơ quan, tổ chức của trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8h và kết thúc vào 17h. Các trung tâm thương mại dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm từ 9h và kết thúc sau 19h. Nhà máy, xí nghiệp làm theo ca, lực lượng vũ trang nhân dân... giữ nguyên thời gian làm việc như hiện tại.

Sau một tiếng đầu buổi sáng đường thông thoáng, đến 7h30 nhiều tuyến phố bắt đầu tắc nghẽn. Phố Thái Thịnh, nơi có trường Tiểu học và THCS Thái Thịnh, dòng người ken đặc. Con đường cạnh đó đang làm dở cũng bị ùn ứ vì ai cũng cố len vào để mong thoát khỏi cảnh ùn tắc.

5 cán bộ tự quản phường Thịnh Quang đứng ra dẹp đường, nhưng không làm giao thông khá hơn. Anh Tuấn (phố Vĩnh Hồ) cho hay: "Thường ngày tôi vẫn đi làm lúc 7h45 đường đã thoáng rồi, nhưng hôm nay tắc dài quá, mất 10 phút mới nhích được khoảng 200 mét".

Tương tự 7h30, tuyến phố nhỏ hẹp Hồ Đắc Di, nơi có Tiểu học Bế Văn Đàn, ùn tắc kéo dài. Người và xe bị kẹt cứng, không thể nhúc nhích nên dù trường học nằm ngay cạnh đó nhưng nhiều học sinh và phụ huynh đành chấp nhận đến muộn vì không thể di chuyển được.

Chị Minh (phố Nam Đồng) cho biết, lên ôtô từ 7h30 nhưng tới hơn 8h vẫn chưa thể qua được con phố này. "Tôi bị chôn chân tại chỗ mất 40 phút, không thể tiến cũng chẳng thể lùi để đi đường khác", nhân viên văn phòng này chia sẻ.

Theo chị Minh, nguyên nhân gây ùn tắc một phần là phố Nguyễn Lương Bằng cấm taxi vào giờ cao điểm nên nhiều xe đã len lỏi vào các con phố gần đó đưa đón khách để tránh bị phạt.

Gần 8h sáng, tại cổng một số trường tiểu học, THCS lại xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ. Ảnh: Hoàng Thùy.

Gần 8h, tình trạng tắc nghẽn cũng xuất hiện trên phố Nguyễn Văn Huyên (đoạn qua THCS Lê Quý Đôn và Dịch Vọng). Do 8h các em bắt đầu học nên ôtô, xe máy của phụ huynh tập trung khá đông trước cổng trường. Đưa con đi học rồi lại đi làm, anh Thái (đường Cầu Giấy) lo lắng: "Tắc đường thế này thì tôi đến cơ quan muộn mất. Giờ con học và giờ mình làm sát nhau quá".

Trao đổi với VnExpress.net , trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết, từ 6h sáng, Đội đã triển khai lực lượng ra các chốt để hướng dẫn giao thông nên buổi sáng khu vực Láng, Láng Hạ... không xảy ra ùn tắc.

"Do sinh viên chưa lên học, người lao động ngoại tỉnh chưa lên làm hết, nhiều cơ quan, cửa hàng chưa hoạt động trở lại nên chưa thể đánh giá được tình hình", ông Tài nói.

Kết quả vote đến 11h sáng 1/2.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Tân cho biết, từ sáng sớm lãnh đạo Sở đã chia nhau đi thị sát các tuyến đường lớn tại thành phố. Tại tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Thụy Khuê, nơi ông khảo sát, phương tiện lưu thông bình thường, công chức đi làm không bị kẹt xe. Các tuyến xe buýt của Hà Nội đã được tăng cường, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến trường nhanh chóng.

Phó giám đốc Sở cho hay việc điều chỉnh giờ không gây xáo trộn trong gia đình ông. Cậu con trai học lớp 9 đã tự đặt chuông đồng hồ để dậy sớm hơn, vệ sinh cá nhân nhanh chóng và tự đi xe buýt đến trường học như mọi ngày.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: " Tôi không bao giờ thấy tắc đường"

Trao đổi với báo chí ngày 31/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói: "Tôi đi làm lúc 6h30, hơn 19h tôi mới về nên không bao giờ thấy tắc đường. Mọi người cũng thế thôi. Ngày Tết vắng, đường Hà Nội đi thoải mái".

Cũng theo ông Thăng, điều chỉnh giờ làm việc đã được thế giới làm từ lâu, giờ Việt Nam mới áp dụng. Nói chung, mọi người dân nếu có ý thức tự điều chỉnh cho phù hợp thì sẽ không bị tắc đường.

Thừa nhận trách nhiệm của nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng Bộ trưởng Thăng cho hay, quan trọng là không có tiền. "Ai chả muốn làm tàu điện ngầm, ai chả muốn làm đường sắt trên cao ngay, nhưng nguồn lực của mình có hạn thì phải dần dần, không thể làm ngay".

Nhóm phóng viên


Theo www.baomoi.com

0 comments:

Post a Comment

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More