Related posts

Thursday, 29 March 2012

Ky thi hoc sinh gioi lop 9 Ton bac ty vi benh thanh tich

PN - Ngày mai, 27/3, TP.HCM có 3.296 học sinh (HS) dự kỳ thi HS giỏi lớp 9 cấp thành phố. Tuy Sở GD-ĐT khẳng định đây chỉ là "sân chơi" cho HS có năng khiếu nhưng ở nhiều nơi, việc ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi không khác gì luyện "gà chọi".

Điều kiện dự thi HS giỏi lớp 9 do Sở GD-ĐT quy định khá đơn giản: HS lớp 9 có kết quả học kỳ I năm học 2011 - 2012 đạt các yêu cầu: xếp loại hạnh kiểm và học lực từ khá trở lên, điểm trung bình môn thi phải đạt từ 8,0 trở lên . Tuy nhiên, để chuẩn bị cho kỳ thi, các quận, huyện đã tuyển chọn HS giỏi từ một năm trước.

Điển hình cho cách làm này, tại Q.1, từ tháng 3/2011, quận tiến hành thi HS giỏi lớp 8, có hơn 1.000 em đoạt giải. Những em này sẽ được bồi dưỡng trong dịp hè (vòng một). Đến tháng 9/2011, lên lớp 9, các em tiếp tục tham dự đội tuyển HS giỏi cấp quận (vòng hai), để chọn lại gần 500 em. Lại tiếp tục ôn luyện, thi kiểm tra (vòng ba), vào tháng 2/2012, quận chọn ra 222 em. Cuối cùng, khoảng một tuần trước kỳ thi cấp thành, có 173 em vinh dự khoác áo đội tuyển chính thức của Q.1 và các em tiếp tục được bồi dưỡng cho đến cận ngày thi.

Kinh phí "đổ" ra cho việc "luyện" HS giỏi tốn kém tiền tỷ. Một trường ở Q.3 thống kê, năm học 2010 - 2011, trường tốn hơn 30 triệu đồng chi cho học phí bồi dưỡng HS, mỗi em 600.000đ. Bất bình vì khoản chi vô lý này nên có trường nhất quyết không đóng. Trường càng có nhiều HS lọt vào đội tuyển, chi phí đầu tư càng cao, mức trả thấp nhất 35.000đ/tiết, trung bình 50.000đ/tiết, mức khá hơn là 70.000đ/tiết. Một trường sẽ tổ chức cho HS học nhiều tiết, nhiều môn cộng lại tốn hơn chục triệu đồng, nếu mời giáo viên (GV) "xịn" từ nơi khác về "luyện", mức phí lên đến 150.000đ/tiết, ước tính tốn cả trăm triệu đồng. Toàn thành có hơn 250 trường THCS, nếu lấy mức trung bình một trường tốn 30 triệu đồng cho công tác này, thì mỗi năm tiêu tốn 7,5 tỷ.

Tốn tiền tỷ nhưng hiệu quả đến đâu? Có bao nhiêu em HS giỏi lớp 9 tiếp tục đi theo con đường trường chuyên, lớp chọn? Chỉ biết, HS đoạt giải nhất, nhì, ba được cộng từ một đến hai điểm cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 (từ năm học này, chế độ HS giỏi cấp thành phố bậc THCS được cộng điểm nếu thi vào lớp chuyên tương ứng với môn đoạt giải sẽ bị bãi bỏ). Chấm hết!

Nhà trường tốn kém, áp lực dồn lên vai HS, GV rất nhiều. Ở kỳ thi HS giỏi cấp thành năm trước đã xảy ra một chuyện khá đau lòng: một HS giỏi không lọt vào đội tuyển HS giỏi của quận nhưng không dám thú thật với cha mẹ. Đến ngày tổ chức thi, em cũng được phụ huynh chở đến trước hội đồng thi. Vì không có tên trong danh sách dự thi, em phải trốn vào nhà vệ sinh, đợi đến hết giờ thi nhưng bị giám thị phát hiện.

Không chỉ có áp lực thi cử, việc bồi dưỡng còn ảnh hưởng nhiều đến chuyện học của HS. Nếu là trường học hai buổi/ngày, HS sẽ phải vác cặp đi học vào ngày cuối tuần. Đối với trường dạy một buổi, các em sẽ học vào buổi chiều. Tuy nhiên, lịch học bồi dưỡng buổi chiều trùng với một số môn chính khóa như thể dục, tin học nên các em phải học bù. Đặc biệt, vào cao điểm ôn luyện, HS phải ôn cấp tập cả tuần, những giờ học chính khóa phải "đình" lại.

Nhiều hiệu trưởng cho rằng: không nên duy trì kỳ HS giỏi cấp thành phố vì thực tế, nhiều HS giỏi lớp 9 đã "mất hút" khi lên cấp III. Đặc biệt, bộ môn Sử, Địa không có tính liên thông, dù HS đoạt giải HS giỏi cấp thành bộ môn này thì khi lên lớp 10, không hề có lớp chuyên cho bộ môn này, coi như con đường lớp chuyên "tắt", các em rất thiệt thòi. Tuy nhiên, nhiều trường do không có ưu thế về các môn tự nhiên nên đã cố gắng dồn sức cho môn này, vì đoạt giải môn nào cũng được tính là "có HS giỏi". Cô Nguyễn Thị Phương Anh, GV giỏi môn Địa (Q.1) nói: những trường nhỏ thường biến môn phụ thành thế mạnh. Do HS môn mình bồi dưỡng thiệt thòi nhiều hơn các bộ môn khác nên trong quá trình dạy, chúng tôi không dám gây áp lực căng thẳng cho các em.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói: "Thi HS giỏi bậc THCS là chủ trương từ Bộ GD-ĐT, nhằm phát hiện, bồi dưỡng HS có năng khiếu. Do mỗi quận đều có quy định số lượng em tham dự nên tính cạnh tranh rất cao. Sở GD-ĐT không có chủ trương "luyện" gà chọi, chỉ muốn kỳ thi HS giỏi là "sân chơi" cho HS". Tuy nhiên, dù quan điểm của Sở GD-ĐT rõ ràng như thế, nhưng những năm qua, việc ôn luyện, bồi dưỡng HS quá tốn kém, lại trải qua nhiều vòng. Nguyên nhân do xét thành tích của trường, của GV đều lấy việc có HS giỏi làm tiêu chí để đánh giá, công nhận trường tiên tiến cấp quận, cấp thành, GV giỏi cấp quận, cấp thành. "Chính vì vậy, nếu muốn kỳ thi HS giỏi cấp thành bậc THCS trở về "sân chơi" đúng nghĩa, không tốn kém, không rơi vào "luyện gà chọi", việc cần làm trước tiên là đừng gắn HS giỏi vào thành tích của trường, của GV", nhiều hiệu trưởng kiến nghị.

HỒNG LIÊN

Ngày 27/3, hơn 3.000 HS lớp 9 sẽ dự thi HS giỏi ở các bộ môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, Công nghệ 9.

Thời gian làm bài: 150 phút/môn (không kể thời gian phát đề). Riêng môn Công nghệ 9 thời gian làm bài lý thuyết 45 phút (điểm hệ số 1), thực hành 90 phút (điểm hệ số 2).


Theo www.baomoi.com

0 comments:

Post a Comment

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More