Một tin buồn lớn đầu năm Nhâm Thìn với giới văn hóa Hà Nội: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc mất hồi 3 giờ sáng mùng 6 Tết Nhâm Thìn (28/1/2012), hưởng thọ 86 tuổi. Ông là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, đã xuất bản khoảng 15 đầu sách: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Hà Nội thành phố nghìn năm, Hà Nội qua những năm tháng… chủ biên 6 bộ sách: Lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Hỏi đáp về Thăng Long - Hà Nội, Đường phố Hà Nội, Du lịch Hà Nội, Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng… Có thể nói ông dành trọn đời đến giây phút cuối cùng cho tình yêu Hà Nội, thật xứng đáng với Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (2009) và gần đây nhất là danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (2010)…
Một tin buồn lớn đầu năm Nhâm Thìn với giới văn hóa Hà Nội: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc mất hồi 3 giờ sáng mùng 6 Tết Nhâm Thìn (28/1/2012), hưởng thọ 86 tuổi. Ông là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, đã xuất bản khoảng 15 đầu sách: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Hà Nội thành phố nghìn năm, Hà Nội qua những năm tháng … chủ biên 6 bộ sách: Lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Hỏi đáp về Thăng Long - Hà Nội, Đường phố Hà Nội, Du lịch Hà Nội, Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng … Có thể nói ông dành trọn đời đến giây phút cuối cùng cho tình yêu Hà Nội, thật xứng đáng với Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (2009) và gần đây nhất là danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (2010)…
Nghe tin ông mất, tôi không khỏi thảng thốt. Mới hôm nào… tôi đến đọc ông nghe bản thảo viết về ông trong cuốn chân dung văn học tôi sắp cho tái bản.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.Khi tôi hỏi, động lực nào đã khiến ông viết những bài đầu tiên về Hà Nội, ông tâm sự: "Thời gian đầu dạy học, tôi dạy cả văn, cả sử, địa. Khi lên lớp cho học sinh, tôi muốn hiểu thật thấu đáo, ngọn nguồn những điều tôi giảng, nhưng không ít lần những tài liệu gốc tôi tham khảo lại khác sách giáo khoa. Tôi phải viết thành bài báo có tính thuyết phục về tư liệu để đính chính cho sách giáo khoa khi họ tái bản, hóa ra việc nghiên cứu về Hà Nội thời ấy còn hời hợt quá! Qua việc "phải tìm cho đến ngọn nguồn lạch sông" đã thành nỗi đam mê của tôi, trở thành việc chuyên tâm hàng ngày".
Gọi là chuyên tâm, nhưng trước khi nghỉ hưu, thời gian chủ yếu của ông vẫn phải dùng để làm trọn nhiệm vụ một nhà giáo ưu tú ở trường cấp 3 Lý Thường Kiệt mà ông tham gia giảng dạy tới 30 năm. Từ nhiều chục năm trước, chúng tôi vẫn coi Nguyễn Vinh Phúc như một nhà giáo mẫu mực về dạy giỏi, kiến thức sâu, một tính cách hòa nhã, đức độ với bạn bè, với học sinh. Có những buổi giảng của thầy Nguyễn Vinh Phúc gây tiếng vang qua hàng chục tỉnh thành, như thầy thực hiện bài giảng Giải đi sớm trước hàng trăm đồng nghiệp các tỉnh về dự. Bộ Giáo dục đã ghi nhận trong một công văn: "Đây là một tiết giảng có giá trị như một báo cáo khoa học thể nghiệm tốt phương pháp giảng dạy thơ văn Hồ Chủ tịch trong nhà trường phổ thông". Nhà thơ Khương Hữu Dụng có mặt hôm đó đã siết chặt tay ông, cảm phục ông đã hiểu sâu tâm hồn tác giả và đặc điểm thơ Đường.
Chúng tôi nhắc đến cái danh hiệu nhà Hà Nội học mà chẳng có tổ chức nào, cấp bộ nào ra quyết định công nhận. Người ta cứ gọi, báo chí cứ gọi mà tự nhiên thành! Rải rác từ 1956- 1957 trở đi, trong mục Thủ đô ta của báo Thủ đô Hà Nội, Hà Nội mới. Rồi trên các mục Đất nước của tuần báo Thống nhất, mục Ngàn năm văn võ của báo Quân đội nhân dân, Ngàn năm văn hiến trên báo Độc Lập. Rồi trên các tập sách Danh nhân quê hương, Danh nhân Hà Nội … luôn luôn xuất hiện tên tuổi Nguyễn Vinh Phúc dưới các bài nghiên cứu, giới thiệu về sử, địa, văn liên quan đến Hà Nội. Có lẽ qua một quá trình tích tụ, "lượng đổi chất đổi" như vậy, ông đã được công luận "tấn phong" danh hiệu nhà Hà Nội học như các cụ Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thúy… Ông đồng hương Hưng Yên với tôi nhưng ông… Hà Nội hơn cả người Hà Nội.
Về hoạt động xã hội, không mấy ai về hưu lại nhận nhiều chức vụ như ông: Phó chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp thành phố Hà Nội, Ủy viên Hội đồng khoa học kỹ thuật Hà Nội, Ủy viên Ban chỉ đạo bảo tồn, cải tạo các di sản kiến trúc Hà Nội, rồi Hội đồng tư vấn lịch sử thành phố…
Ông Nguyễn Vinh Phúc (người bên trái) nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2009.Ảnh: VOVNgoài phải cáng đáng những chức vụ nói trên, ông đã và đang chủ nhiệm nhiều đề tài cấp thành phố như: Định hướng một mô hình lễ hội dân gian truyền thống trong thời hiện đại (1990), Khảo sát vài địa chỉ văn hóa dân gian Hà Nội: dòng họ, phố phường, đặc sản … (1992), Không gian văn hóa vùng Hồ Tây (1993), Không gian văn hóa vùng Hồ Gươm …
Lần thứ hai tôi trò chuyện với ông khi ông đang tiến hành từng bước thực hiện những việc đề ra trước khi bước vào ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới như: Tinh hoa văn hiến nghìn năm Thăng Long Hà Nội (1990-2000)…
Ông đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức dịch những sách cơ bản làm công cụ cho việc nghiên cứu ở kho sách Hán-Nôm, kho sách tiếng Anh, Pháp (của các lái buôn Anh, Pháp, Hà Lan và của các cố đạo người Pháp viết về Hà Nội).
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc vẫn không thôi trăn trở những điều cốt lõi về Hà Nội. Ông tâm sự: "Đời sống vật chất của người Hà Nội đang khá lên rõ rệt nhưng giàu sang lên mà nhân cách kém đi thì nguy hiểm hơn là sự nghèo nàn. Tôi rất mong chúng ta xây dựng được một nhân cách Hà Nội, người Hà Nội phải khoan dung hơn, tử tế hơn… Muốn vậy, mặt bằng dân trí phải được nâng cao hơn".
Với ông, động lực chính để ông suốt đời thực hiện mọi công trình chính là: "Có thể chống sự thoái hóa nhân cách bằng cách khơi dậy những nét đẹp trong truyền thống, trong lịch sử!".
Vân Long
0 comments:
Post a Comment