(HNMO) - Sau khi tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT với hai điểm mới đáng chú ý là không bắt buộc tổ chức thi theo cụm trường và bỏ việc chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương. Đây là những quy định đã được Bộ GD-ĐT triển khai trong một số năm gần đây song chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc bãi bỏ quy định này được nhiều thầy, cô giáo, phụ huynh, HS ủng hộ và kỳ vọng sẽ có một mùa thi bớt ngột ngạt.
Theo Quy chế, Giám đốc Sở GD-ĐT được chủ động quyết định thành lập các hội đồng coi thi. Thí sinh của mỗi hội đồng coi thi gồm HS của một hoặc nhiều trường THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức mỗi năm một lần. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần hai trong năm.
Các thí sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: Hoàng Thuỳ |
Quy chế quy định đối tượng dự thi là công dân Việt Nam và người nước ngoài đang học tập, sinh sống tại Việt Nam đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi; người học đã học hết chương trình THPT nhưng không đủ điều kiện dự thi hoặc đã dự thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước và các đối tượng khác được Bộ GD-ĐT cho phép dự thi (thí sinh tự do).
HS THPT được dự thi tốt nghiệp nếu có đủ các điều kiện: Đã học xong chương trình THPT; được đánh giá, xếp loại về hạnh kiểm và học lực ở từng lớp học; xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém ở lớp 12; tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi.
HS các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên đăng ký dự thi tốt nghiệp tại trường- nơi đang học lớp 12. Thí sinh tự do có thể đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc nơi cư trú, theo xác nhận của chính quyền cấp xã, phường.
Về công tác liên quan đến việc ra đề thi, Quy chế quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập hội đồng ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chủ tịch hội đồng ra đề thi là lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Các uỷ viên ra đề thi gồm cán bộ, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ, giảng viên các học viện, trường ĐH, chuyên viên các sở GD-ĐT, giáo viên giỏi đã hoặc đang giảng dạy chương trình THPT. Mỗi môn thi đều có các uỷ viên phản biện đề thi. Nội dung đề thi nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức về thực hành của HS và nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngoài ra, đề thi còn phải bảo đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm; phân loại được trình độ của người học và phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi. Thí sinh tự do cũng phải thi đủ các môn thi, theo nội dung thi, hình thức thi quy định của năm tổ chức kỳ thi.
Các môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31-3 hằng năm. Hình thức thi của mỗi môn thi được quy định trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ GD-ĐT.
0 comments:
Post a Comment