4 công việc thú vị không cần bằng cấp
Phú Yên: Khai gian bằng cấp, PGĐ chi nhánh NHNN bị đề nghị cách chức
Một số trường dân lập, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tuyển dụng nêu trên của một số địa phương là mang tính phân biệt, nặng về bằng cấp mà không chú trọng vào thực lực...
Sự minh bạch trên cơ sở năng lực của thí sinh mới là điều quan trọng trong tuyển dụng công chức, viên chức. Ảnh minh họa
Giật mình thon thót vì tin... sốc
PGS-TS Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng trường ĐH Đại Nam bức xúc: "Tôi không biết sắp tới còn có những địa phương nào sẽ đưa ra những tuyên bố phi lý như Đà Nẵng, Nam Định. Chủ trương của Nhà nước ta là xã hội hóa giáo dục, mở ra các trường đại học dân lập, rồi giao chỉ tiêu tuyển sinh, tạo nhiều điều kiện để phát triển... Luật Giáo dục cũng không phân biệt các loại hình đào tạo, thì không có lý gì các địa phương lại phân biệt".
Cơ chế tuyển dụng chưa minh bạch dễ "phức tạp" bởi chuyện "con ông cháu cha" | TS Thang Văn Phúc | "Luật cán bộ, công chức không quy định cụ thể công chức thì phải tốt nghiệp trường nào. Căn cứ vào chất lượng đào tạo, nhu cầu, một số địa phương tự đưa ra tiêu chí. Họ cho rằng đã phân cấp cho tôi thì việc lựa chọn người có khả năng đáp ứng được công việc phải do tôi quyết định. Đây là một vấn đề tế nhị, khó có thể đưa ra để phê phán.Về mặt quy định, họ cũng không vi phạm gì nhưng về mặt xã hội, chủ trương chung, theo tôi là không đúng. Tôi học tại chức, hay dân lập, thậm chí cả tự học cũng không quan trọng, quan trọng là năng lực của tôi thế nào. Thay vì chỉ nhìn vào bằng cấp để chọn người thì chúng ta nên chú trọng vào khâu cải tổ thi tuyển công chức. Phải làm rõ ràng, minh bạch. Trên thực tế, việc thi tuyển công chức của chúng ta hiện nay còn rất nhiều vấn đề phức tạp, như chuyện con ông cháu cha, chuyện quan hệ riêng... Cứ thi tuyển minh bạch, tôi nghĩ có không ít người sẽ bị loại. Qua sự việc này, tôi nghĩ Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Nội vụ nên ngồi lại với nhau để bàn bạc, xử lý từ gốc. Tốt nhất là nên có một phương án chung, để giải quyết được câu chuyện khập khiễng giữa đào tạo và tuyển dụng". |
Cũng theo ông Phức thì công tác tuyển sinh năm nay, các trường ngoài công lập đã rất khó khăn, vất vả. Có những trường phải thông báo xét thêm nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu được giao. Trường ĐH Đại Nam được giao 1600 chỉ tiêu (bao gồm cả cao đẳng và đại học), hiện mới tuyển sinh được gần 1000 sinh viên. Khó khăn này chưa qua, giờ lại thêm khó khăn khác. Nếu các địa phương cứ đua nhau "nói không với sinh viên dân lập, tư thục" trong thi tuyển công chức thì đúng là vấn đề rất đáng lo lắng, nói cách khác là tạo thêm một cú sốc cho chúng tôi. Làm sao các sinh viên đang theo học, rồi những sinh viên đang có ý định thi tuyển vào trường có thể yên tâm khi con đường tìm kiếm việc làm của họ cứ dần bị thu hẹp.
"Vừa qua báo chí có kêu ca nhiều về chất lượng giáo dục của các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh đồng các trường ngoài công lập chất lượng giáo dục đều kém. Về chất lượng thì cũng có trường thế này, trường thế kia, ngay cả trong một trường cũng còn có chỗ tốt chỗ kém, sinh viên cũng phân thành nhiều loại. Tôi biết có một số em thi cử, đầu vào điểm không cao (có thể do một số nguyên nhân) nhưng trong quá trình học, các em liên tục phấn đấu, đạt được những thành tích rất xuất sắc.
Ngược lại, có một số em đầu vào cao nhưng lại chểnh mảng học nên kết quả chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, không phải lúc nào đầu vào cao mà kết quả học hành cũng tốt đó là chưa kể đến việc từ học đến hành còn một khoảng cách xa. Tôi nghĩ rằng, các sinh viên tốt nghiệp ra trường đã được cấp bằng tốt nghiệp của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì phải được đối xử bình đẳng, được tham gia thi tuyển. Cứ tổ chức thi công khai, anh vào được hay không là do trình độ của anh. Nếu làm được như vậy, sẽ không còn ai có thể kêu ca, phàn nàn", ông Phức diễn giải.
Trong báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Nam Định thì trong đợt tuyển dụng công chức năm nay có 5 trường hợp tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục, tại chức không được dự thi trong đó có một người tốt nghiệp ngành Kế toán, Trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh của tỉnh Nam Định.
Trước thông tin này, ông Đặng Thế Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh cho biết: "Hiện nhà trường đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục &Đào tạo, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam để xin ý kiến. Thực ra rất khó để đưa ra quan điểm phản đối hay không ở thời điểm này vì luật không có quy định rõ ràng. Vì vậy chúng tôi đành phải đợi phát ngôn của cấp trên". ông Huy cũng cho biết thêm, hàng năm sinh viên Lương Thế Vinh ra trường vẫn có công ăn việc làm tốt, chủ yếu phục vụ khối ngoài cơ quan Nhà nước. Đây cũng là mục tiêu đào tạo của Nhà nước.
GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, địa phương nào đưa ra tiêu chí thi tuyển công chức như nói trên là không thực hiện đúng Luật Giáo dục. Luật Giáo dục nói giá trị bằng cấp của các loại hình đào tạo đều như nhau. Địa phương nào làm sai thì phải phạt.
Cũng theo GS. Dũng, nếu chỉ căn cứ vào bằng cấp thì không thể phản ánh đúng trình độ giáo dục, có người đào tạo ở mô hình này nhưng trình độ thấp, có người đào tạo mô hình kia nhưng lại giỏi. Vì vậy, phải tập trung vấn đề thi tuyển công chức. Mặt khác, hiện nay chúng ta có loại hình lao động hợp đồng. Anh thực hiện ký hợp đồng với người lao động, nếu không đáp ứng được công việc thì có thể chấm dứt mà chưa cần nói đến chuyện xét tuyển công chức. Nếu chỉ nhìn vào bằng cấp mà nói "không" thì có lẽ, sắp tới, tất cả các trường tư thục, dân lập đều đóng cửa hết.
"Ở Nam Định tôi biết cũng có trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh, nếu tỉnh mở ra mà lại từ chối họ thì có trường đó để làm gì?", GS. Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi.
Cần đề cao năng lực thay bằng cấp
Xung quanh vấn đề này, PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hoá giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ông Thuyết cũng cho rằng, các địa phương không nên phân biệt bằng tại chức hay chính quy, dân lập hay công lập, bằng nước ngoài hay trong nước mà tốt nhất nên tổ chức thi tuyển. Thi tuyển thì có những tiêu chí nhất định, ai đáp ứng được nhu cầu thì trúng tuyển.
Thực tế, trong số những anh em học tại chức, dân lập cũng không thiếu gì những người có năng lực, học hành tử tế. Ta còn nặng về vấn đề bằng cấp. Có lẽ ở các doanh nghiệp tư nhân ít mắc trường hợp này hơn. Họ chỉ tính đến hiệu quả công việc, nếu tuyển phải người kém họ sa thải ngay. Còn cơ quan nhà nước cứ được tuyển vào là yên trí rồi cứ thế mà hưởng lương.
Nói các quyết định trên của các địa phương là trái luật thì không phải. Bởi chẳng có luật nào quy định phải tuyển dụng tại chức hay chính quy, cũng chẳng có quy định nào yêu cầu các cơ quan, công ty phải tuyển dụng tất cả mọi người có những bằng cấp khác nhau. Nhưng trên thực tế, cũng có những cơ quan tuyển dụng công chức, viên chức người ta đề ra những yêu cầu cao hơn.
Ví dụ, họ chỉ tuyển dụng những người có bằng xuất sắc, bằng giỏi hoặc chỉ tuyển sinh viên một số trường người ta cho là có uy tín trong đào tạo. Đấy là quyền của người tuyển dụng. Tốt nhất nên để các cơ quan được tuyển người theo yêu cầu công tác, còn cơ quan cấp trên chỉ giám sát công tác tuyển dụng và năng lực cán bộ. Cơ quan nào tuyển quá nhiều cán bộ không làm được việc thì cấp trên phải có ý kiến.
Về công tác tuyển dụng công chức, PGS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, hiện nay không phải địa phương nào làm cũng tốt. Không ngoại trừ nhiều trường hợp thân quen, có thế lực, thi ĐH không trúng lại vòng đi học tại chức sau đó vẫn vào các cơ quan Nhà nước chiếm chỗ. ở đây, Bộ Nội vụ phải xem lại việc tổ chức tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước đã ổn chưa. Ở Hàn Quốc, ông Bộ trưởng Ngoại giao không có lỗi trong việc con gái được tuyển dụng vào cơ quan nhưng cũng phải từ chức.
Minh Lý
Nguồn : nguoiduatin.vn