Đây được coi là hành động "cạnh tranh không lành mạnh" với hệ thống các trường dạy nghề, trong bối cảnh các trường nghề khó tuyển sinh mà học sinh hệ TCCN tốt nghiệp rất khó tìm việc làm do chương trình học hàn lâm...
Học nghề cơ điện hệ TCCN.Cầm đèn chạy trước…
Giữa tháng 3.2012, Trường ĐH Điện lực thông báo tuyển sinh hệ TCCN với 600 chỉ tiêu cho các ngành: Hệ thống điện, Nhiệt điện, Thủy điện, Tự động hóa và Tin học (xét tuyển bằng điểm tổng kết hai môn toán và vật lý lớp 12 hoặc điểm thi ĐH, CĐ năm 2012).
Quy định không cho phép các trường ĐH, học viện đào tạo hệ TCCN để tránh chồng chéo sẽ được Bộ triển khai quyết liệt và nghiêm túc trong năm 2012.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn GaNgoài ra, trường này còn tuyển sinh 500 chỉ tiêu trung cấp nghề ở 8 chuyên ngành khác. Tương tự, ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu TCCN cho 13 ngành đào tạo và 1.500 chỉ tiêu hệ trung cấp nghề (thời gian nhận hồ sơ từ 15.3 đến 20.9.2012).
Khu vực miền Nam, rất nhiều trường ĐH cũng công khai tuyển sinh TCCN trên mạng Internet như ĐH Hùng Vương TP.HCM tuyển TCCN với 540 chỉ tiêu xét tuyển (cho cả đối tượng từ tốt nghiệp THCS); ĐH quốc tế Hồng Bàng xét tuyển TCCN năm 2012 với 450 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo như dược sĩ, thẩm mỹ sắc đẹp, y sĩ đa khoa, điện - điện tử, công nghệ thông tin.
ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương tuyển 1.500 chỉ tiêu. Thạc sĩ Trần Thanh Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, giải thích: "Trường đang trong thời gian chờ ý kiến của Bộ GDĐT về việc xin đào tạo các ngành đặc thù của trường, nhưng đến thời điểm này chúng tôi chưa có văn bản trả lời của Bộ nên vẫn đăng tuyển sinh".
ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng xin tuyển sinh khoảng 5.000 chỉ tiêu bậc TCCN như mọi năm. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong trường hợp không được Bộ cho phép, trường sẽ có 2 phương án: Một là thành lập trường TCCN, hai là chuyển chỉ tiêu sang CĐ nghề. "Tuy nhiên, điều đó sẽ gây khó khăn về tuyển sinh vì nhiều em thích học trung cấp hơn, chỉ mất có 2 năm trong khi CĐ nghề mất tới 3 năm" - ông Hoàn nói.
Phớt lờ quy định của Bộ
Thực tế, sau quyết định của Bộ GDĐT về việc không cho các trường ĐH tuyển sinh hệ TCCN, nhiều trường đã rơi vào thế "bí" do giảm nguồn thu nhập và dư thừa đội ngũ giảng viên hệ trung cấp. Chính vì lý do đó, nhiều trường đã cố tình "lách luật" chiêu sinh và phớt lờ quy định của Bộ. Còn thí sinh có tâm lý "sính" ĐH nên thường muốn học TCCN của hệ ĐH, thay vì hệ học nghề.
Ông Nguyễn Văn Áng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GDĐT) cho biết: "Hiện Vụ đã nhận được hơn 10 kiến nghị của các trường ĐH mong muốn tiếp tục được tuyển sinh hệ TCCN. Tuy nhiên, Bộ mới chỉ cho phép 2 trường nghệ thuật và một số trường an ninh, quân đội tuyển sinh, số còn lại Bộ vẫn chưa quyết định".
Được biết, trước đó để tăng khả năng thuyết phục đối với Bộ GDĐT, rất nhiều trường đã làm công văn có chữ ký của bộ chủ quản yêu cầu được đào tạo hệ TCCN. Ví dụ, Trường ĐH Y Dược TP.HCM với sự can thiệp của Bộ Y tế, muốn xin khoảng 600 chỉ tiêu bậc TCCN. ĐH Tài nguyên - Môi trường cũng đã gửi 2 công văn có chữ ký của lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, xin 550 chỉ tiêu cho các ngành khí tượng học, thủy văn, kỹ thuật trắc địa, quản lý đất đai, kỹ thuật môi trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định: "Chúng tôi không khuyến khích các trường ĐH đào tạo hệ trung cấp nghề, Tổng cục cũng đã thống nhất với Bộ GDĐT chỉ trừ những trường hợp đào tạo ngành nghề đặc thù mới được xem xét".
Tùng Anh - Thanh Tàu